Đơn Dương

Chúng tôi quyết định chọn Đơn Dương, sau khi đã quá quen với Đà Lạt!

Đơn Dương

Đơn Dương: 31/7 - 3/8/2020

Tiếp nối chuyến đi thất bại và lời thề sẽ tập trung toàn sức lực cho công cuộc xây dựng sự nghiệp:

Quẩn, người đầu tiên thể hiện quyết tâm, đã đăng kí học lại ít nhất 4 tín chỉ vào buổi tối và làm thêm công việc giám sát công trình ở Thủ Đức, đồng thời hợp tác với Đạt trong nhiệm vụ phổ cập Ielts đến giới trẻ Việt Nam thông qua việc thành lập Tomida Academy. Nếu các bạn đang tò mò và có ý định tìm kiếm trên Google hay Facebook thì trung tâm này hiện không tồn tại (sẽ nói kĩ hơn ở phần sau). Đạt - người làm giáo dục duy nhất của chúng tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo đối với tương lai của con người, nhất là sau khi chứng kiến việc Triết dẫn cả nhóm đi lạc trong chuyến Tà Năng. Thế nên chẳng mấy ngạc nhiên khi hai người đồng chí bắt tay nhau, Đạt thề rằng sẽ đầu tư đích đáng cho kế hoạch. Tôi trộm nhìn thấy ánh mắt Đạt rạng ngời về tương lai, trong khi Quẩn nở nụ cười đầy ẩn ý. Triết, người luôn bảo thủ và kiên định với niềm tin rằng kinh tế học vĩ mô không tồn tại, đã bắt đầu hỏi tôi về lý thuyết cổ điển của Adam Smith, đồng thời đăng kí học ngành Quản trị kinh doanh như một kế hoạch dài hơi phòng khi nghề hướng dẫn viên gặp bế tắc.

Cơ bản là vậy, chúng tôi đều chúc mừng và trao cho nhau ánh mắt ngưỡng mộ.

Cho đến một ngày tháng 7, khi những buổi cà phê và câu chuyện về Tà Năng đang cạn dần, Triết nhận ra mình cần nghỉ ngơi và gợi ý chúng tôi rằng nên thưởng cho bản thân 1 kỳ nghỉ ngắn. Sau ba hồi lưỡng lự, bảy lần đổi ý, chúng tôi quyết định chọn Đơn Dương vì nó không phải Đà Lạt!

Tròn 5 tháng kể từ chuyến đi Tà Năng, chúng tôi mới lại một lần nữa xỏ giày, lên xe cho một trải nghiệm mới. Chuyến xe khởi hành lúc 16h trong một con hẻm nhỏ tại Q10 với thử thách đầu tiên mang tên "Sài Gòn giờ tan tầm” Trong khi chúng tôi chuẩn bị chợp mắt, Lộc lẩm bẩm vài câu về định luật Vạn vật hấp dẫn xen giữa tiếng chửi thề theo công thức 20/80. Tôi cá rằng Newton hẳn sẽ rất đau khổ vì định luật của ông không đi kèm bất kì điều gì liên quan đến tình mẫu tử hay bộ phận cơ thể người. Lần này Lộc phải chạy deadline cho một môn học ở trường - hình như là môn vật lý mà nó đã phải thi lại 2 lần, không chắc lắm đây sẽ là lần cuối…

Chuyến xe dừng lại ở chợ Thạnh Mỹ vào lúc 23h: dõng dạc và mạnh mẽ như một cách thông báo cho mọi hành khách rằng nó đã đưa mọi người đến nơi an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi nhìn điện thoại - 20 độ C!

Rảo bước về khách sạn và cất gọn đống hành lý trong sự niềm nở của cô chủ, chúng tôi đâu ngờ 2 ngày sắp tới sẽ nhận cú tát cực mạnh từ mẹ thiên nhiên khiến cho mọi kế hoạch vỡ tan như bong bóng xà phòng. Thực hiện chuyến đi đầu tiên trên mảnh đất mới bằng việc khảo sát khu vực, Đơn Dương chào đón chúng tôi bằng sự yên ắng đến lạ thường! Có lẽ đã quen với sự náo nhiệt hàng ngày nơi phố thị, chúng tôi có phần hơi khựng và bước chân cũng nhẹ hơn đáng kể như để tránh việc vô tình đánh thức một em bé đang say giấc. Nói thêm về thị trấn Thạnh Mỹ, đây có thể xem như trái tim của huyện Đơn Dương, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động trao đổi buôn bán (chợ Thạnh Mỹ), trường học và các địa điểm giải trí cho giới trẻ địa phương.

Bên vệ đường, chúng tôi thấy một hàng ăn đang đóng cửa. Cho đến hiện tại, mảnh kí ức chắp vá của tôi về cô chủ hầu như là con số 0, nhưng vẫn nhớ đến cô như người làm ra món bánh tráng nướng ngon nhất từ trước đến nay mà tôi từng có cơ hội thưởng thức. Mọi người lót dạ bằng tất cả số bánh tráng còn sót lại trong tủ, một vài cái bị bể, tráng miệng bằng tàu hũ nóng và rời đi khi đã giúp cô gọn gàng mọi thứ sau một ngày làm việc vất vả. Cô đã tặng chúng tôi lời cảm ơn và nụ cười rất tươi!

Cả đám quay trở về sau khi cùng nhau chụp ảnh ở Km184, cách Phan Rang 90km. Tôi sẽ không nói tên những người đã đòi đi bộ thêm "một tí" để đến tháp Chàm, vì đã trót hứa để lại mọi điều ngu xuẩn sau chuyến đi.

6h sáng, không khí đặc quánh sương mù và mặt trời vẫn ngủ vùi trong mây; tôi bị đánh thức bởi mùi khói, mùi đốt rơm và mùi hơi nước lẻn vào phòng thật dễ chịu. Lộc như thường lệ vẫn sắm vai đồng hồ báo thức, nhưng lần này đã thực sự bị khuất phục bởi câu thơ của Quẩn: "Trời buồn trời đổ cơn mưa Ta buồn ta ngủ từ trưa đến chiều" Cho đến nay, chúng tôi không ai đánh giá hay phản bác điều gì về câu này, phần vì không chắc Quẩn đã vượt qua được cuộc chia tay hay chưa, phần vì chúng tôi muốn nướng thêm vài phút trên chiếc giường ấm áp. Về mình, tôi tự thưởng cho bản thân chút thời gian để tận hưởng mùi sương sớm, xem lại đống ảnh đã chụp và sạc đầy pin cho con Canon 77D.

Mặt trời lên đến đỉnh và chiếc bụng đã réo, chúng tôi khệ nệ mang theo balo, kí hàng loạt giấy tờ để chuẩn bị cho nghi thức nhận xe

“Hãy cho ta một chiếc Vespa, ta sẽ đưa em đi khắp thành Roma”.

Sẽ thật tệ nếu cả đám quyết định rẽ vào một quán cà phê cóc gần chợ thay vì ghé qua quán cà phê Lamo đối diện, định mệnh đã cho chúng tôi cơ hội. Khi các cô gái hỏi rằng "Liệu anh có yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên?" Câu trả lời khôn ngoan nhất sẽ là một nụ hôn, vì tình yêu xuất phát từ hành động, không phải từ sự đắn đo - Lamo là cô gái ấy. Chúng tôi hoàn toàn có quyền ngó lơ mọi sự phán xét để đặt nụ hôn lên bậc thềm, nhưng cả đám quyết định uống cà phê và matcha đá xay thay vì ịn môi lên những vết chân không tên tuổi. Quả thực phép so sánh này có phần tệ hại, nhưng để viết lại theo cách khác thì không, vì đây là chốn bình yên duy nhất trong cả cuộc hành trình và L'Amour trong tiếng Pháp còn có nghĩa là "Tình yêu".

Trời mưa rả rích do ảnh hưởng của cơn bão đang tiến vào biển Đông, chúng tôi nói lời tạm biệt anh chị chủ quán để lên đường đến nhà thờ Ka Đơn - nơi được cho là có kiến trúc độc đáo và mang đậm dấu ấn của người dân tộc Chu Ru. Dọc theo QL 27, chúng tôi đi qua những đoạn đường lấm lem bùn đất. Quả không ngoa khi nói rằng mọi món quà đều đi kèm với cái giá phải trả: Mưa với bùn, rất nhiều bùn! Cảm tưởng chúng tôi đã đôi ba lần bị nuốt chửng bởi cơ số ổ voi, ổ gà (không có voi con cũng không có trứng gà).

Nhà thờ Ka Đơn đón chúng tôi bằng vẻ đẹp của sự thanh bình. Sau cơn mưa, nàng có vẻ còn đẹp xiêu lòng hơn khi bị ướt (cô gái nào cũng thế mà) Ấn tượng đầu tiên phải kể đến kệ sách, kế đến là bảo tàng Chu Ru thu nhỏ trong khuôn viên. Vị linh mục đáng kính nhiệt tình trong vai trò hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho cả đám, có lẽ do tiếng cười của Lộc khi thấy Đạt thiếp đi bên cạnh cuốn "Tâm lí tuổi mới lớn" đang đọc dở, đã khiến ông chú ý. Vị linh mục giải thích về quá trình xây dựng, chất liệu, cảm hứng cũng như vị thế của nhà thờ Ka Đơn với công chúng quốc tế (Công trình được trao giải thưởng lớn về Kiến trúc Thánh quốc tế lần 6 - 2016 ở Ý). Sau cùng, thoả mãn trí tò mò của chúng tôi bằng việc mở ổ khoá của một căn phòng rất đẹp - Nhà lưu niệm dân tộc Chu Ru. Chúng tôi được mục sở thị các tác phẩm gốm của người dân tộc Chu Ru và C'ho, những dụng cụ và hiện vật phong phú về đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Chúng tôi đang đứng trên mảnh đất của người dân tộc anh em và cảm nhận vẻ đẹp văn hoá trong từng nhịp thở.

Thông tin thêm: dân tộc Chu Ru dường như đã mất đi chữ viết của họ, chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.

Trời đã quang hẳn, thứ ánh sáng vàng cam len lỏi qua vách ngăn và xuyên qua tán lá báo hiệu sắp hoàng hôn; Cả đám tốt hơn hết là nên khẩn trương dựng lều trước khi trời tối. Chờ cho Duy đọc xong câu chuyện cười về "Rùa và Thỏ" trong cuốn "100 truyện cười dân gian Việt Nam" và Lộc đọc hết chương 3 tiểu thuyết "Số Đỏ" của Vũ Trọng Phụng, chúng tôi mới có thể tiếp tục cuộc hành trình.

Đoạn đường đi đến địa điểm cắm trại cách không xa nhà thờ lắm. Chúng tôi quyết định sẽ làm việc mình giỏi nhất: Đi chợ.

Như mọi lần, 2 nhóm được phân công và mục tiêu là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải chăng mẹ thiên nhiên đã thấy chúng tôi đang ưu ái giao cho nhau những công việc quá nhẹ nhàng, nên đã ban xuống chút mưa để gột rửa mọi nỗ lực ảo. Lều đã dựng xong, nấp dưới tán cây, trên nền đất bằng phẳng nhưng đã bục ra do những trận mưa dạo gần đây. Thấp thoáng thấy Lộc và Đạt từ phía xa, chúng tôi đi từ vui mừng đến ngạc nhiên, rồi sau cùng là thất vọng vì chiếc lốp xe nát bét từ bao giờ. Cả bọn không ai biết được khi nào ngừng mưa, nhưng ai cũng chắc rằng sẽ phải dắt bộ vào sáng sớm. Thú thật, cho đến thời điểm này thứ duy nhất có thể sưởi ấm cho mọi người chỉ có thể là niềm tin, hoặc chí ít là tình bạn theo mô típ của các bộ phim truyền hình. Ở đây chúng tôi không có cả 2. Nhờ một vài lời trao đổi trước khi đi mà chúng tôi đã có dụng cụ để nhóm lửa: 2 túi cồn khô và 1 thùng cồn 4 độ rưỡi! Mọi thứ dành cho việc sinh tồn đã được chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi ngồi co ro quanh nồi lẩu, mặc cho gió rít từng cơn và lời sấm truyền của người dân về việc đốt lửa vào ban đêm sẽ dẫn dụ một loạt các loài sinh vật lạ, ưu tiên bây giờ là lấp đầy chiếc dạ dày rỗng tuếch từ 2h chiều. Mặt trăng và những ngôi sao bị mây che lấp, chỉ còn tiếng mưa, tiếng cười và những câu chuyện không đầu không cuối. Chuyện gì xảy ra ở Đơn Dương thì nằm lại ở Đơn Dương. Tôi sẽ không đề cập hay đi sâu vào chi tiết này vì sự tôn trọng mà chúng tôi đã thề trước khi bắt đầu mỗi cuộc hành trình.

Hạnh phúc vất vả giành được từ tranh đấu, liệu có lụi tàn trong 5 phút tới đây?

Càng về khuya, mưa tạnh dần và số củi chuẩn bị phần nhiều đã chuyển mình thành tro, chúng tôi đi ngủ và thầm mong lời sấm truyền sẽ không thành sự thật.

Tiếng gà gáy vang từ ngôi làng báo hiệu ngày mới đã đến. Chúng tôi thức dậy, bơ phờ và mệt mỏi, hẳn là mọi người đã cố gắng vùi mình vào balo để quên đi việc sáng nay phải oằn mình nắm tay nàng Attila Elizabeth - siêu xe mà cách đây hơn chục năm là ao ước của bao người, mà không ngờ nàng phì nhiêu đến vậy. Chúng tôi trở về thị trấn Thạnh Mỹ theo cái cách không thể thảm hại hơn và thật hợp với câu "khi đi trai tráng khi về bủng beo".

Dành trọn nửa ngày còn lại cho thị trấn nhỏ trước khi trở về Sài Gòn, hy vọng trải nghiệm cuộc sống của một người Đơn Dương thứ thiệt. Sau vài giờ dọn dẹp và tắm rửa, cả đám đi bộ dọc theo con đường Lê Văn Tám để ra đường lớn, tấp vào một nơi mà ai nấy trong chúng tôi đều tìm được tình yêu của riêng mình ở vùng đất này - bách hoá Xuân Hồng. Dĩ nhiên phần này sẽ được tôi bỏ qua vì các bạn chẳng cần phải biết về việc ai trong số chúng tôi gọi nhầm đồ uống và ôm một mối tình đã chết trong bao lâu! Đêm cuối cùng, cũng là đêm tuyệt nhất khi chúng tôi đã vượt qua tất cả để hiên ngang đặt mông lên chiếc giường ấm áp, khỏi phải nói về độ sung sướng và độ ngầu khi tất cả đều ngầm đồng ý với nhau rằng bản thân đã vừa chết đi sống lại. Chúng tôi đã vượt qua mọi trở ngại về thời tiết và cung đường, duy chỉ có một việc chúng tôi thất bại: Trở thành người Đơn Dương, vì không ai có thể đi ngủ vào lúc 21h!

Thừa mứa thời gian sẽ giết chết niềm vui thú.

Buổi sáng, cũng là lúc chỉ còn vỏn vẹn vài tiếng trước khi lên chuyến xe trở về Sài Gòn, trời Đơn Dương hôm nay không mưa mà xanh thẳm đến lạ. Chúng tôi quyết định thức dậy sớm hơn mọi khi để gói gém hành lý và đồ đạc, bỏ đi những thứ không cần thiết; Vài người tranh thủ để lại nàng thơ của mình cùng mối tình hết hạn vào sọt rác, vì biết rằng nó sẽ không thành sự thật và sẽ vĩnh viễn nằm lại nơi này.

Chúng tôi ra ngoài tìm kiếm bất hạnh bởi vì đã có quá nhiều hạnh phúc ở nhà.

Đăng ký để đọc được những bài viết mới nhất từ bahoastory

Download more icon variants from https://tabler-icons.io/i/mailbox