Có lẽ khi đọc tựa đề, chúng ta sẽ nghĩ rằng "Nghệ Thuật Huế" ở đây là những giai điệu, âm nhạc, ẩm thực và lễ nghi rất đặc biệt ở vùng đất cố đô này.
Tuy nhiên, chẳng có điều gì ở trên xuất hiện trong cuốn sách này cả. Vậy thì chính xác nghệ thuật ở đây là gì?
Chính là nghệ thuật trang trí - kiến trúc được nghiên cứu và ghi chép bởi Léopold Michel Cadière và Edmond Gras.
Léopold Michel Cadière
(Sinh ngày 14/2/1869 ở Aix-en Provence, Pháp và mất ngày 6/7/1955 ở Huế, Việt Nam) là nhà truyền giáo học, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học và nhà nhân học.
Ông được bổ nhiệm vị trí tuyên úy ở trường Pellerin từ 1912 đến 1918, đây là quãng thời gian ông phát triển các hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử tôn giáo. Cũng trong khoảng thời gian này ông thành lập Hội Những Người Bạn Cố Đô Huế với hành trang quan trọng là tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H).
Edmond Gras
Là nhân viên đặc biệt của Ngân khố Trung Kỳ ở Huế, người đại diện cho Ủy ban Quảng bá du lịch Trung Kỳ, lại có những khảo sát về nghệ thuật công phu, nhưng nhận xét tinh tế.
Nội Dung
"Xuất phát từ tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam, Léopold Michel Cadière đã khởi xướng công trình này. Với độc giả ngày nay, Nghệ Thuật Huế có thể được xem là một cuốn art book, một từ điển bằng tranh về nghệ thuật Huế riêng và nghệ thuật Việt Nam xưa nói chung, nơi bạn có thể đắm mình cùng những hoa văn trang trí tưởng đơn sơ nhưng rốt cục lại thi vị và có nguồn gốc sâu xa, những họa tiết tưởng như mới gặp lần đầu nhưng hóa ra lại gần gũi không ngờ, biến thể của nó có thể chỉ ở đâu đó không xa nhà bạn.
Vì lẽ ấy Nghệ Thuật Huế, với tôi, là một biểu tượng cho sự hòa hợp tốt đẹp giữa tinh thần Pháp và nghệ thuật Việt; với bạn, có lẽ nó là một sự nhận chân, hay một chuyến du hành." - Estienne Rolland-Piegue.
Tác phẩm chủ yếu nói về những nghệ thuật trang trí và ý nghĩa của những họa tiết cổ truyền trên những kiến trúc của các công trình Việt Nam - nổi trội là ở Huế.
Sử dụng những hình ảnh minh họa hết sức ấn tượng và chi tiết, hạn chế tối đa những câu chữ để tránh sự khó hiểu, dài dòng nhằm đem đến cho người đọc một nền tảng cơ bản vững chắc về nghệ thuật trang trí truyền thống. Tác phẩm đồng thời mở rộng và hướng những nhà nghiên cứu trẻ đến với các luận án to lớn, chuyên ngành hơn.
"Chỉ những đầu óc không hoàn thiện mới có thể coi thường hay bàng quan với nghệ thuật, hoặc chỉ những đầu óc mông muội mới xem nghệ thuật và khoa học đối kháng nhau. Khoa học nhất định phải yêu nghệ thuật bởi vì nghệ thuật không chỉ là cảm hứng, nó cũng chính là những quy tắc, thứ tự, chuẩn mực; bởi vì nó luôn luôn tiếp thu dữ liệu từ khoa học; bởi vì, cũng như khoa học, nghệ thuật là một phương tiện diễn đạt của chân lý và nó luôn không ngừng tìm tòi cách thể hiện điều đó." - Edmond Gras