Tôi hỏi thật quý ông bà và các anh chị:
Rốt cục ai dúi chiến thắng vào tay những kẻ không có mục tiêu?
60% dân số Việt Nam sẽ bảo “định mệnh”, 40% còn lại - kiệm lời tối giản - sẽ nói một phiên bản ngắn gọn hơn: “đm”.
Ảnh bìa là tôi - chính tôi - không lươn lẹo.
Tôi phải cảm thán suốt kể từ khi nhận được kết quả lọt vào vòng chung kết của một cuộc thi khá to. Khác với 2 năm trước đây, khi tôi còn chẵn tuổi ăn thua và kiếm chuyện với các lũ trường khác, tôi luôn có ý định sẽ đứng trên sân khấu và nuốt chửng những đồng nghiệp tương lai của mình.
Giờ thì kỳ lạ thay, tôi bao dung với sân khấu và những kẻ ngoại đạo đáng kể. Chắc hẳn trong 2 năm vắng mặt với nhà trường và du lịch ấy, Thomas Cook đã hiện hồn ra và nói nhỏ với tôi rằng du lịch kiểu truyền thống kia sẽ chẳng tồn tại được lâu, con người dần sẽ phải lòng với máy móc và bỏ qua những cá thể có cảm xúc cứ ngày ngày phạm đi phạm lại những lỗi lầm rất vô tội vạ.
Thế là tôi chán nản chèo queo - khác với những người kế nhiệm đi trước. Tôi không ghét bỏ du lịch và cảm thán quá nhiều kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Tôi vẫn yêu nó vô bờ bến - làm sao có thể từ bỏ một thứ mà tôi đã dành hết tuổi xuân của mình để ôm ấp và vỗ về?
Bước chân vào ngành này, tròn trịa đã 3 năm. Tôi ăn chửi thối tai long não. Với tiêu chuẩn “bị chửi để biết người biết ta” - các giảng viên trường tôi không bao giờ kiêng nể bất kỳ câu từ gì để xấn vào mặt học trò của mình.
Có nhiều cô đã khóc ngay tại bục giảng.
Có nhiều cậu uất ức mà bỏ học ngang.
Số còn lại, lên lớp cho xong chuyện.
Số khác nữa - lì đòn - đáng khen thưởng - nhưng chẳng khôn
Nhờ vào việc rất cục súc trong công tác đào tạo của những thầy cô nơi giảng đường. Cả trường học của tôi luôn cho ra đời những thế hệ rất xuất sắc và trụ cột trong ngành du lịch. Điểm chung của những con người này và tôi (nhỏ bé) - đó là luôn luôn nghe chửi nhiều hơn khen.
Tôi chẳng nhớ được lần cuối cùng thầy cô hài lòng với bài thuyết minh hay cách cầm micro của tôi là khi nào - nhưng tôi vẫn biết rõ tôi đã nghe chửi về việc học hành nát bét ra sao - chỉ mới sáng nay ngay trên sân khấu và dưới hàng chục con mắt của các em khoá dưới.
Được cái, các thầy cô đã dành hơn hai chục năm để mài giũa câu từ và chửi học trò rầm rộ như pháo ran. Cho nên, về mặt ngôn ngữ và kinh nghiệm - họ quá sáng tạo để có thể khiến chúng tôi nhàm chán! Lần nào nghe chửi cũng y như mới toanh - chúng tôi choáng váng cả đầu óc dù rằng kinh nghiệm chịu đựng cũng phần nào được tôi luyện qua các buổi học kinh thiên động địa.
Nhưng hôm nay, tính tới thời điểm này, tôi lại thấy họ cống hiến quá thể! Không phải chỉ vì chửi là đam mê - tôi không nghĩ có ai đó đam mê gì trong việc nặng lời với người khác. Nhưng là vì họ thật sự muốn chúng tôi khá hơn để che đậy đi thực tế rằng du lịch ngày càng xuống cấp trong cả đạo đức lẫn trình độ. Họ chửi để chúng tôi nên người và nên nghề - cứu vớt lại tí hy vọng rằng học trò lứa sau mình, vẫn sẽ là một cái chân kiềng vững chắc và hy vọng được.
Tôi đang ở ngưỡng cửa mấp mé cái ước mơ mà tôi từng chiến đấu chết đi sống lại vào khoảng 2 năm trước. Ngày ấy, sự háo thắng là chưa đủ - việc thiếu kinh nghiệm đã khiến tôi bị loại khỏi vòng chung kết (mà giờ nghĩ lại thì cũng thấy chả oan ức gì).
Hai năm sau, với sự bình tĩnh hơn và khôn ngoan hơn, tôi đặt được chiếc chân của mình vào vòng cuối cùng - phân định thắng thua và mức độ quyết liệt giữa các trường là không phải bàn cãi.
Điều đáng tiếc ở đây - tôi hoàn toàn không còn khát khao vô địch nữa.
Tôi đã tham dự cuộc thi này vì lời hứa với cố nhân - đồng thời cũng xem như là cột mốc cuối cùng của mình trong đời sinh viên vật vã.
Tôi chiến đấu vì sự dang dở nhiều hơn là ước mơ ôm chiếc cúp về nhà.
Thế mà xui rủi thay, ban giám khảo lại tuyên bố tôi đứng top 2 trong vòng thi bán kết ngày ấy - nghĩa là hỡi ôi - phải dành thêm cả 2 tuần nữa để ôn luyện và đấm nhau với các đồng chí của mình.
Lườm trước được sai lầm rất rõ ràng của năm ngoái đó là vì ích kỷ mà đánh mất chức vô địch vào tay những kẻ ở xa. Năm nay, cô Tr của chúng tôi, ngay sau vòng bán kết đã quyết định gom chiến binh của mình lại và giảng giải, làm rõ một vấn đề rằng chiến thắng là của chung - chúng ta sẽ không mạnh ai nấy thi nữa - “Cô muốn top 1, 2, 3 đều là trường mình - không ai trong đây là con át chủ bài để chiến thắng và không cá thể nào được phép lớn hơn ngôi trường của mình.” - nguyên văn cô đã nói như thế, và ba chúng tôi không lý gì lại có thể cãi lời một cây đại thụ trong ngành nghề này.
Tôi vẫn vậy, vẫn chả hẹn ước gì với chức vô địch cho thêm nặng gánh suy tư! Nhưng tôi mong rằng mình sẽ kết thúc ở đâu đó khoảng vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 là đẹp!
Tôi không muốn người cô này phải thất vọng - tôi càng không muốn trường mình mất vị trí rất truyền thống trong các cuộc thi (vô địch).
Thế nên thay vì chiến đấu cho bản thân - tôi lại quay sang rực lửa vì thầy cô, bạn bè và sân nhà.
Tôi hy vọng rằng hai đồng chí của tôi sẽ chiến thắng. Vì nói đi nói lại, họ thật sự xứng đáng hơn tôi.
Hai cậu bạn bị loại ở vòng bán kết vẫn xứng đáng hơn tôi rất nhiều - nhưng thiếu kinh nghiệm vẫn là thế - chả qua được.
Giờ thì tôi ở ngưỡng cửa này, không còn đường lui mà cũng chẳng còn đường chạy!
Tôi tự hỏi, liệu rằng ông trời hay bất kỳ đấng quyền năng nào đó, có lại dúi chiến thắng vào tay những kẻ không có mục tiêu?