KHỞI ĐẦU
Trẻ em ở Pháp được dạy rằng điện ảnh do anh em nhà Lumière phát minh năm 1895, còn ở Mỹ thì lại là do Thomas Edison phát minh năm 1892. Nhưng sự thật là, điện ảnh không được “phát minh” ra; nó là kết quả của một quá trình dài hoàn thiện dần về mặt kỹ thuật. Nói cách khác, nó là thành quả của một chuỗi liên tục những cải tiến được thực hiện bởi rất nhiều người mong muốn tái hiện chuyển động trên màn hình từ những hình ảnh nối tiếp nhau.
Nói tóm lại, chính nhân loại đã phát minh ra điện ảnh chứ không phải bất kỳ một cá nhân hay quốc gia nào!
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA ĐIỆN ẢNH
Cha đẻ của điện ảnh chính là sân khấu và nghệ thuật biểu diễn. Sau đó nhờ các phát minh kinh điển từ nghệ thuật ghi hình và tráng phim, chúng ta xuất hiện phim câm. Một thời gian sau, lời thoại xuất hiện nhờ vào sự tiên phong của Thomas Edison khi đã đặt chiếc máy hát vào bên trong thùng máy Kinetoscope. Từ đó làm điểm nhấn, chúng ta thêm các giai điệu Opera, vẽ lại các chiến tích lịch sử. Điện ảnh lúc này đã phục vụ được cả đôi mắt và đôi tai.
Trải qua hơn 100 năm, điện ảnh đã thay đổi như chúng ta thấy hiện tại.
Bạn sẽ không thể tìm ra một mốc thời gian nhất định để nói về sự phát triển của nó. Vì nhân loại chung tay làm ra thứ nghệ thuật này - chúng ta sẽ không thể đi khắp thế giới mà tìm tòi và ghi chép từng dữ liệu được.
BỘ MÔN NGHỆ THUẬT THỨ BẢY.
Chúng ta luôn nói về 7 bộ môn nghệ thuật nhưng đôi khi không rõ nó là gì. Hãy phân tích ra:
Nghệ thuật tĩnh: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ
Nghệ thuật động: Âm nhạc, thơ, múa.
Ricciotto Canudo (1879 – 1923) nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật người Pháp gốc Ý, được xem là người tiên phong đặt nền móng cho lý luận Điện ảnh và cũng là người đầu tiên dùng cụm từ “Nghệ thuật thứ 7” để viết về điện ảnh, trong quá trình nghiên cứu về tính chất và mối quan hệ của các loại hình nghệ thuật.
Đặc điểm chung của những bộ môn nghệ thuật này đó là được đông đảo công chúng say mê, đón nhận và có khả năng đưa con người vượt ra khỏi những giới hạn trong trí tưởng tượng của họ.
Điện ảnh được sử dụng ban đầu chỉ cho mục đích giải trí, sau đó là kể lại lịch sử và các tác phẩm văn học, tiếp đó là tham gia vào các khía cạnh chính trị, xã hội (điện ảnh Nga rất nổi tiếng với điều này) và hiện nay là thoả mãn trí tưởng tượng của nhân loại.
Mấu chốt không thể thiếu của nghệ thuật đó là sự tranh cãi. Dường như trong tất cả các thời đại của lịch sử, điện ảnh không bao giờ thiếu đi những khoảnh khắc loài người lên án chính nó và các tác phẩm.
Ví dụ như nụ hôn của sự bất hoà - The Kiss của William Heise (1896). Nụ hôn thoáng qua giữa May Irwin và John C.Rice gây ra cơn giận dữ từ thiểu số người Mỹ theo đạo Thanh Giáo và tạo ra một vụ scandal chưa từng có vào năm 1896! Nhiều người đã lên tiếng chống lại màn biểu diễn tục tĩu và đáng khinh đó, vốn bị nghi là sẽ làm suy đồi giới trẻ.
Từ đó, có thể suy ra rằng bộ môn nghệ thuật này cũng bước một con đường chẳng hề bằng phẳng hơn so với các anh chị em của nó và chúng ta cũng cần xác nhận rằng nghệ thuật phải có rất nhiều thời gian để đấu tranh và thích nghi trước khi được công chúng chấp nhận rộng rãi. Gần đây, phim “Vị” của Việt Nam cũng gặp tình trạng này và mình nghĩ rằng đó là một điều hết sức bình thường, cách đây hơn 100 năm dân Mỹ còn đòi lật đổ nền điện ảnh chỉ vì một nụ hôn quá sức lãng mạn.
Văn hoá đại chúng
Với sự xâm nhập quá rộng rãi và tính ảnh hưởng quá thuyết phục, Điện Ảnh dần trở thành trụ cột tối quan trọng trong nền văn hoá đại chúng (pop culture). Nhân loại luôn bị ảnh hưởng ít nhất 70% từ bộ môn nghệ thuật này. Trước đây, những đứa trẻ chỉ mơ ước lớn lên được trở thành một hiệp sỹ hào hoa hoặc một ông vua đức độ chăm sóc cho vương quốc của mình, sau khi điện ảnh xuất hiện, các cậu nhóc bây giờ đã có thể mơ ước trở thành các siêu anh hùng hoặc một tay súng ngầu lòi nào đó, cũng có thể là một phi hành gia đi tìm ý nghĩa sự sống như trong tác phẩm “2001: A Space Odyssey” của Stanley Kubrick!
Các bộ phim và các diễn viên dần trở thành chuẩn mực của sự xinh đẹp, quyến rũ và hợp thời trong thời đại mới. Sẽ thật tệ nếu bạn không biết được loạt phim The Lord of the Rings đã ảnh hưởng như thế nào đối với ngành công nghiệp game, cơ thể của Tyler Durden trong Fight Club có tác động như thế nào đến với tiêu chuẩn thon gọn trong Hollywood và những bộ phim dị hợm đã tạo ra trào lưu phản văn hoá - Midnight Movies như thế nào.
LỜI KẾT
Điện ảnh là tiếng nói và bộ mặt của nhân loại, điện ảnh kéo chúng ta lại gần nhau, điện ảnh nâng tầm ước mơ và khát khao của lũ trẻ, đồng thời giữ người trưởng thành luôn tỉnh táo hoặc đủ mê say để hành động điên rồ một cách quyến rũ.