Thuật ngữ điện ảnh
Director’s cut: Đây là phiên bản phim mà đạo diễn mong muốn ngay từ đầu, trước khi bị các nhà sản xuất xấu xa cắt sửa nó đi vì những lý do thương mại tầm thường.
Depth Of Field (độ sâu trường ảnh): Là tất cả những gì RÕ NÉT trong khung hình. Nếu tất cả đều rõ nét, ta gọi đó là độ sâu trường ảnh lớn. Ngược lại, nếu tiêu điểm được đặt vào một diễn viên còn khung cảnh phía trước hoặc phía sau anh ta (hoặc cả hai) mờ đi, ta gọi đó là độ sâu trường ảnh nông.
Dựng phim: Là hành động dựng các cảnh quay và hiểu rộng ra là cách dựng chúng. Trong những năm 1930, độ dài trung bình của một cảnh quay là 12 giây; ngày nay, độ dài đó là 3 giây cho các phim bom tấn. Có tồn tại đủ loại ngoại lệ, như bộ phim Russian Ark của Alexander Sokurov (2003) chỉ có một cảnh quay duy nhất dài 96 phút.
Quay phim: Người ta vẫn dùng từ “QUAY” một bộ phim để nhớ đến thời mà nhà quay phim phải quay một chiếc tay quay để cho chạy cuộn phim. Tại trường quay, người ta vẫn hô “Moteur!” (Mô tơ) trong khi máy quay ngày nay không chỉ không còn thứ gì quay bên trong nữa mà mó thậm chí không có mô tơ. Ôi cách mạng kỹ thuật số!
Travelling (động tác máy): Là khi máy quay “đi thẳng”, tiến về phía trước (dolly in), lùi về phía sau (dolly out), theo chiều ngang (track right/track left). Nó còn có thể di chuyển theo chiều thẳng đứng, đi lên (boom up) hoặc đi xuống (boom down).
Blockbuster: Phim dài, thường là phim giải trí, được thực hiện với kinh phí khổng lồ và phải bán được số lượng vé lớn nhất.
Box-office: Ban đầu, từ tiếng Anh này được dùng để chỉ quầy bán vé, rồi sau đó được hiểu rộng ra là doanh thu của một bộ phim hay một buổi diễn. Nó trở thành từ đồng nghĩa với bảng xếp hạng doanh thu thương mại.
Cinematography: Nghệ thuật làm phim. Trong tiếng Hy Lạp kinema, có nghĩa là “chuyển động” và graphein: “viết”. Hành động ghi lại và chiếu lên màn hình những hình ảnh động.
Final Cut: Chỉ bản dựng phim cuối cùng trước khi ra rạp.
Khung hình: Khoảng không gian giới hạn mà mắt có thể nhìn thấy, được bộ phim ghi lại.
Nhà làm phim: Trước đây, thuật ngữ này dùng để chỉ tất cả những người đóng góp vào hoạt động điện ảnh: tác giả kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật viên quay phim… Ngày nay, thuật ngữ này có xu hướng được dùng để thay thế cho đạo diễn.
Offscreen: Ngoài trường của máy quay. Từ được khuyên dùng thay cho voiceoff hay soundoff (âm thanh phát ra trong cảnh quay nhưng khán giả không nhìn thấy nguồn âm thanh).
Reverse Shot: Hướng di chuyển hoặc hướng của máy quay ngược với hướng của nó trong cảnh trước đó.
Thời kỳ hoàng kim của Hollywood: Đó là thời kỳ của NĂM ÔNG LỚN và BA CẬU NHỎ! Những năm 1940, tám xưởng phim này tổng cộng đã sản xuất ra 90% lượng phim Mỹ thời đó. Năm ông lớn (Big Five) gồm: 20th Century Fox, MGM (Metro Goldwyn Mayer), Paramount Pictures, Warner Bros và RKO (Radio-Keith-Orpheum Corporarion). Ba cậu nhỏ (Little Three) là: Universal Pictures, Columbia Pictures và United Artists.