Giới thiệu series "Tuổi trẻ có gì ngoài trẻ tuổi": Đài loan - hòn đảo ngọc. Mình học tập và làm việc từ năm 2018 và tất nhiên là không thể thiếu những chuyến đi khám phá nơi này. Với tinh thần tuổi trẻ không có gì ngoài trẻ tuổi thì mình lấy cơ đùi làm động cơ đốt trong để đi-chạy-đạp-lăn, trải nghiệm và thám hiểm hòn đảo này. Xuyên suốt series này, mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và hành trình từ những trải nghiệm cá nhân của bản thân qua những cuộc chạy bộ, leo núi và đạp xe tới một số địa danh ở Đài Loan.
Cung đường: Nangang - Keelung - JiuFen - Buyanting - Nangang.
Quận Nangang (南港) là nơi mình đang sinh sống, là một quận ở thành phố Taipei - Đài Loan. Theo lời bình dân hay nói chuyện với mọi người thì Nangang nằm ở đầu line tàu điện ngầm MRT màu xanh dương và gắng liền với trung tâm triễn lãm của thành phố.
Quận Keelung nằm ở phía cực bắc của Đài Bắc - Đài Loan, là một vùng giáp với biển và có rất nhiều điểm vui chơi cực đẹp mà bạn có thể tới tham quan khi du lịch ở Đài Loan - và quận này cách quận Nangang tầm 30km.
JiuFen - Hay còn được biết tới là làng cổ Cửu Phần - Đây là nơi bắt buộc phải đi khi tới Đài Loan vì đơn giản là một địa điểm checkin không thể thiếu để có một chuyến đi hoàn mỹ.
Buyanting (不嚴停)- đường "Không thể ghét": đây là cung đường nổi tiếng nhất Đài Loan, vì sao ư? Mình đoán là do nó đẹp và ngầu thôi. Đường này nằm ở trên núi cao và có một đoạn đường thẳng tầm 200 mét và có một nơi để mọi người quan sát - và còn được biết tới là nơi quen thuộc cho những thước phim TVC quảng cáo.
Giới thiệu chuyến đi:
Những hành trình khám phá bắt đầu từ điểm rời khỏi nhà và kết thúc bằng việc leo lên cái giường thân yêu và ngủ một giấc thẳng cẳng cho tới trưa ngày hôm sau, đó là những gì thật sự diễn ra đối với mình vì những chuyến đi chơi bằng xe đạp thật sự là tốn sức nhưng nhờ thế mà làm nên những kỉ niệm khó quên. Hành trình từ quận Nangang lên tới cung đường Buyanting tầm 37km với 30km đầu tiên khá bằng phẳng và không tới mức quá khó nhưng ác mộng chỉ diễn ra khi đạp xe lên núi ở 7km tiếp theo với độ cao là 524 mét trên mực nước biển. Đây là kiểu du lịch đốt cháy calo nhưng đổi lại là việc bạn có thể ngắm nhìn những cảnh đẹp núi non và cảm nhận đó qua từng hơi thở hỗn hễnh vì quá mệt; là kiểu du lịch cùng bạn bè vượt qua những thử thách về thể chất và cùng hỗ trợ nhau phá vỡ về rào cản tinh thần để chinh phục ý chí "có thể làm được". Nhưng trên hết chuyến đạp xe này chủ yếu là ngắm cảnh non nước và có một thời gian vui vẻ cùng bạn bè.
Chuyến đi này mình (VygaVND) cùng với 4 người bạn Đài Loan khác trên 5 chiếc xe đạp từ xịn tới cùi cùi quyết tâm chinh phục chặng đường cả đi và về tầm 70km. Mỗi người có một thể trạng sức khỏe khác nhau và trong đám có lẽ mình là người yếu nhất. Kể sơ đôi nét về từng người:
1- Helbert: Một người có ý chí có thể làm được tất cả và thử thách bản thân, đã từng chinh phục 1 trong những con đường đạp xe leo đèo khó nhất thế giới ở Đài Loan (KOM Tainwan - King of Mountain Taiwan) và đạp xe hành trình 100km với Helbert là chuyện đơn giản.
2- Danny: Đây là một người bạn rất cừ trong việc chạy xe đạp, đã từng 2 lần đạp xe quanh Đài Loan - tổng chiều dài tầm 1100km trong 12-14 ngày. Đặc biệt quê Danny là Đài Trung (miên trung Đài Loan) nhưng hiện tại đang học tập ở Đài Bắc, thế là mỗi lần về quê lại đạp xe 150km để về quê thăm nhà.
3- Tim: Chàng thanh niên sống ở Tamsui (một vùng giáp biển ở Đài Bắc) với khả năng đạp xe rất bền bỉ, và đang chuẩn bị cho cuộc thi triathlon (3 môn phối hợp: bơi, đạp xe và chạy bộ).
4- Taylor: Được biết tới là vô địch hít đất - sau khi tham gia vào quá trình tập huân quân sự ở Đài Loan, Taylor đã lập thành tích vô tiền khoán hậu sau thi hít được 121 cái sau 2 phút ở bài test thể lực đầu vào. Nhưng sức bền thì có tí hạn chế.
5- VygaVnd: Sau nhiều tháng vì Covid mà không thể chơi thể thao và vận động ngoài trời thì sức bền tụt xuống kinh khủng. Với sức bền thì ít nhưng ý chí cũng vừa phải vẫn quyết tâm đeo bám để đi tới điểm cuối cùng.
Thời gian
Do mọi người sinh sống ở những nơi khác nhau trong thành phố nên thống nhất chung một điểm để tập trung để cùng xuất phát là vô cùng cần thiết. Tụi mình chọn ga tàu MRT Nangang Exhibition làm điểm khởi hành vào lúc 8h sáng. Mọi người tới khá là trễ hơn với dự định và mãi cho tới gần 9h sáng mới có thể khởi hành.
Thật sự trước lúc lên đường thì không có bàn bạc là mấy giờ sẽ về và chuyến hành trình sẽ kéo dài bao nhiêu lâu vì nó còn phụ thuộc vào tốc độ của từng thanh viên nên cứ theo tiêu chí chờ đợi hỗ trợ nhau trên suốt chặng đường.
Sau khi về tới nhà thì tầm 6h tối, từ Nangang đi tới Buyanting ăn chơi rồi quay trở về Nangang, hành trình đạp xe và ăn chơi kéo dài tầm 9 tiếng.
Chuẩn bị
Điều chú ý nhất mà ắt hẳn mình không cần nói ra đó là thể lực - đặc biệt là sức bền. Tại sao lại là sức bền? Cũng dễ hiểu thôi là do đạp xe đường dài mà cái khó là đạp đi và đạp về. Nếu đạp đi thôi thì khỏe cứ bung hết sức ra mà chạy, chạy như chó đuổi cũng chả sao. Nhưng khổ nỗi là phải đạp về, đồng nghĩa với việc bạn phải phân bổ sức hợp lí. Còn một lí do lớn hơn nữa mà bạn cần để tâm tới về rèn luyện sức bền là việc đạp xe lên đường đèo đường núi thì chẳng dễ dàng tí nào. Bạn cứ thử chạy lên cầu thang 10 tầng liên tục mà không nghỉ rồi bạn sẽ hiểu một phần cảm giác thốn tới tận thớ cơ. Vì khi bạn đạp xe tức phải luôn có chuyển động tịnh tiến về phía trước thì xe mới chạy được và không bị mất thăng bằng do đó việc dừng lại nghỉ chân giữa đường đồng nghĩa với việc xuống xe dắt bộ lên. Và đó cũng là một cách để tiếp tục tiến về phía trước, thay vì Hải Quay Xe thì mình xuống xe dắt bộ lên.
Điều thứ 2 cần chú ý là thức ăn và nước uống dọc đường. Bạn cần ăn uống đầy đủ trước trong và sau chuyến đi cũng như là bổ sung nước một cách hợp lí. Với mình thì đơn giản là ăn sáng trước sau đó mua thêm một vài thỏi chocalate và 2 chai nước thể thao và một loại nước năng lượng dạng gel để bắt đầu hành trình. Vì ở Đài Loan cửa hàng tiệm lợi rất nhiều nên trong chặng đường có thể dừng lại nghỉ ngươi và mua thêm nước hoặc đồ ăn thêm. Và nếu quá xui xẻo vì khát nước quá mà không mua được nước thì bạn có thể dừng chân ở một trạm cảnh sát gần đó để xin nước lọc nha.
Điều thứ 3 là lộ trình đường đi và thời tiết. Về phần lộ trình đường đi, do di chuyển bằng xe đạp nên khi xem hành trình cần chú ý tới độ cao đường núi mà ta sẽ tới ở phần đường đi trong google map có cung cấp. Đây là một thông tin quan trọng vì qua đó có thể biết trước để chuẩn bị tâm thế trước chuyến đi. Sau đó là thời tiết, yếu tố vô cùng quan trọng, nên xem có mưa hay không. Vì nắng thì đạp mệt thì nghỉ nghơi uống nước chứ mưa thì mệt à nha. Phải chuẩn bị trước áo mưa và các túi zip để đựng các vật quan trọng khỏi ướt. Và hơn nữa là do ki mưa đường sẽ trơn hơn nên khi đổi đèo xuống thì khá nguy hiểm. Hơn nữa thời tiết vùng núi sẽ thay đổi nhanh, rất thất thường cho nên cần tìm hiểu dự báo thời tiết trước hành trình để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Hành Trình 70km đạp xe, mình chia làm 3 đoạn đường:
Mọi hành trình dù có là vạn dặm đi chăng nữa cũng đi từ điểm bắt đầu. Vì thế nghe tổng quãng đường 70km có vẻ là mệt lắm đây nhưng nếu chia nhỏ ra thành từng đoạn đường và chặng ngỉ ngơi hợp lí thì chuyến đi sẽ êm đềm hơn một phần.
1. Xuất phát: 29km đường bằng, Nangang - Keelung:
9 giờ sáng, tụi mình bắt đầu đạp xe từ Ga tàu MRT Nangang. Chuyến hành trình bắt đầu với mình không đươc may mắn cho lắm khi mình làm rớt và bung màn hình điện thoại ra. Do đó chuyến đi này không thể chụp được nhiều hình ảnh dọc đường như mọi khi được. Từ việc rớt điện thoại làm tâm lí mình hôm đó chùn xuống trông thấy hẳn, mất hết 9 phần háo hức cho chuyến đi nó luôn rồi.
5 chiếc xe - 5 con người nối đuôi nhau đạp theo lộ trình google map băng băng hướng về những ngọn núi. Tụi mình đạp tầm 10km thì nghỉ giảo lao 10-15 phút để nói chuyện và đôi lúc là chờ đợi nhau để rẻ ở những điểm quan trọng. Trong chuyến đi này thì Helbert và Danny thay nhau dẫn đoàn còn mình luôn là người cuối cùng vì từ đầu rớt cái điện thoại hết sức rồi.
Trong đoạn đầu này, chủ yếu là duy trì tốc độ tầm 25-35 km/h và cẩn thận với các phương tiện còn lại cùng lưu thông trên đường. Mình đặc biệt không thích đường trong thành phố vì những điểm dừng bắt buộc do đèn xanh đèn đỏ. Cứ đạp 1 đoạn là phải thắng lại dừng rồi tăng tốc lại, cảm giác là thật sự mệt và đôi lúc dẫn tới việc tấy đèn vàng thì đua nhau tăng tốc.
Nói chung ở đoạn đầu này chủ yếu là duy trì sức lực để còn đạp xe lên núi ở những km cuối. Nếu bung sức quá sớm thì đoạn cuối coi như bỏ.
Do là đường trong thành phố nên mình ít khi chụp lại lắm.
2. Về đích: 7km đường lên núi, Keelung - Jiufen - Buyanting:
Tầm 10h30 tụi mình đã tới nơi khởi nguồn của sự "đau khổ" - chân núi. Khi tới con đường lên núi bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt. Tốc độ sẽ giảm đi đáng kể, con đường dốc hơn và nhiều khúc cua ngoằn nghèo. Tới đây thử thách mới bắt đầu. Chỉ 7km đường lên núi với độ cao là 514 mét thì các bạn nghỉ tụi mình sẽ hoàn tất trong bao lâu? Câu trả lời là 2 tiếng - 12h30 phút tụi mình tới được Buyanting. Bây giờ ngồi kể lại thì có thể nói đây như một chiến tích hào hùng với tinh thần không gì là không thể và dám chấp nhận thử thách nhưng lúc đó thì tự hỏi tại sao mình lại tham gia vào chuyến đi cực nhọc lần này.
Trong suốt chặng đạp xe lên núi thì Helbert, Tim và Danny thay nhau dẫn đầu - phải nói là 3 người bạn này đạp xe bền bỉ thật sự, cứ thế và băng băng về đích. Còn lại là mình và Taylor (anh chàng hít 121 cái trong 2 phút) thì ngậm hành đằng sau, hết đạp thì thay nhau dắt xe đẩy bộ đi lên dốc, mệt quá thì dựng xe bên đường ngồi bệt xuống đất mà thở không ra hơi. Lúc đó thì bao cảnh đẹp núi non, view biển và bầu trời trong xanh đầy gió cũng không thể này bằng việc nằm trên cái giường và bật máy lạnh 25 độ lên mà làm một giấc. Thật lòng mà nói thì chuyến đi này mình chỉ muốn nằm ra là thở thôi. Nhưng sau bao nhiêu nỗ lực và không dưới 10 lần dừng chân lại nghỉ ngơi thì mình và cả đồng bọn đã làm được.
Một điều khá khó chịu nữa là khí hậu vùng núi, thời tiết thay đổi rất nhanh. Ở dưới chân núi đi tầm vài km thì cái nắng còn chang chang và rất oi bức nhưng đi lên tới gần Buyanting lại chuyển trời gió và đổ mưa nhẹ. Khắc nghiệt và khiến cơ thể thậm chí mệt mỏi hơn vì sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Cái cảm giác cuối cùng cũng tới nơi nó đã làm sao. Kiểu má ơi con được về nhà rồi. Tới nơi dù có mệt cỡ nào cũng phải chụp vài chục kiểu dáng để sống ảo với nơi này.
3. Đường về: 37km đường thả dốc và đạp về nhà, Buyanting - Nangang:
Nếu đạp xe lên núi dốc ơi là dốc là cực hình thì có thể nói lúc xuống dốc là phần thưởng. Thả dốc thật sự là đã lắm các bạn. Vận tốc có thể lên tới 50-60 km/h là chuyện bình thường nhưng vì thế nên rất nguy hiểm. Vì đi xe đạp nên phanh xe cần được kiểm tra kĩ và cần giữ khoảng cách giữa cách thành viên với nhau nữa.
Điều tuyệt vời nhất là lúc bạn cúi người xuống nấp gió và khi đó con xe lao băng băng về phía trước. Một bên là núi đá một bên là cảnh biển xanh - thật sự là không còn gì bằng cả. Lúc đạp lên thì mất cả tiếng đồng hồ nhưng thả dốc xuống vỏn vẹn 15 phút ngắn ngủi. Cũng giống như chân lí trong cuộc sống - hành trình thành công thì vất vả nhưng hủy hoại thì nhanh lắm.
Đường về sẽ mệt mỏi hơn nhiều phần lớn nguyên do là đã hết cảm giác hào hứng lúc ban đầu. Vì thế đôi lúc chúng mình sẽ chọn con đường về không giống với đường lên ban đầu để trải nghiệm thêm những cảnh đẹp khác.
***Chuyến đi tuổi trẻ: Tuổi trẻ có gì ngoài trẻ tuổi*** - Phần 2.