DADAISM
Thẳng thắn mà nói, Dadaism là một phong trào rất dị, tôi không rõ rằng loài người đã dành ra bao nhiêu thời gian để sáng tạo ra một bước chuyển động nghệ thuật, nhưng Dada là một trong những thứ vô cùng phóng khoáng và tự do đến mức phá bỏ mọi giới hạn để trở nên điên rồ.
Vậy thì phong trào Dada là gì? Và ảnh hưởng của nó đến với nền nghệ thuật thế giới ra sao?
HOÀN CẢNH RA ĐỜI
Phong trào Dada - Dadaism xuất hiện vào khoảng tháng 2/1916 khi Cuộc Chiến Vĩ Đại bùng nổ (chiến tranh thế giới thứ nhất). Các nghệ sĩ tài ba từ khắp nơi ở Châu Âu đã bỏ chạy đến đất nước Thuỵ Sỹ trung lập, và ngay tại hộp đêm nho nhỏ mang tên Cabaret Voltaire ở Zurich, những nghệ sĩ như Tristan Tzara, Marcel Janco, Hugo Ball, Emmy Hennings và Jean Arp đã cùng nhau tạo ra một phong trào nghệ thuật nhằm phản đối chiến tranh và chống lại tất cả những quy tắc nhìn nhận thế giới xung quanh họ. Về cơ bản, họ bài trừ tất cả mọi thứ; bài trừ chiến tranh, bài trừ giai cấp tư sản, bài trừ chủ nghĩa ái quốc, bài trừ bảo tàng, bài trừ chủ nghĩa duy vật… Theo như Andre Breton, “Dada là một trạng thái tâm trí”, người theo chủ nghĩa Dada sẽ muốn đạp đổ tất cả những gì có quy tắc và có lý.
Ý NGHĨA TÊN GỌI
Và bởi vì Dada cũng là bài trừ ý nghĩa, cho nên những nghệ sĩ này đã chọn một cái tên siêu lập dị cho trường phái của mình: “Dada hoặc Dadaism”
Từ “Dada” có thể mang mọi ý nghĩa nhưng đôi khi cũng là chả có ý nghĩa gì sất, nó có thể là âm thanh của một đứa bé hoặc là âm thanh của một người say xỉn tạo ra, hoặc cũng có thể là “có - có” trong tiếng Romanian.
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT DADA
Hộp đêm Cabaret Voltaire trở thành một điểm nóng tụ tập và nuôi dưỡng Dada với các hoạt động như đọc thơ, hát, múa, biểu diễn, và triển lãm nghệ thuật… nó là trung tâm cho các loại hình và hoạt động “avant-garde”.
Và khi đọc đến đây rồi, tôi khuyên các bạn hãy vứt hết các nguyên tắc luôn tồn tại trong đầu để hiểu được nghệ thuật Dada - rất điên dại.
Lấy ví dụ, Tristan Tzara đã chỉ cách làm một bài thơ Dada như sau:
Lấy một tờ báo
Cắt các từ ra
Cho vào một cái túi
Lắc cái túi lên như chơi lô tô
Lấy từng từ ra
Và bài thơ của bạn đã sẵn sàng.
Bạn cũng có thể tìm nghe bài hát I Zimbra của Talking Heads, lời nhạc được viết bởi Hugo Ball và tất nhiên rồi, bạn sẽ chẳng hiểu gì cả đâu.
Jean Arp thì chơi bộ môn khác cũng hên xui không kém, đó là dán ảnh, ông ấy sẽ xé nhỏ các mảnh giấy và thả từ trên cao xuống, giấy rớt chỗ nào thì sẽ dán ngay chỗ đó, đây là một tác phẩm:
SỰ LAN TỎA CỦA DADA (DADAISM)
Mặc dù Cabaret Voltaire chỉ tồn tại trong khoảng 6 tháng, nhưng di sản mà nó để lại thì hết sức chấn động.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các nghệ sĩ đã rời khỏi Thuỵ Sỹ và đi khắp nơi, từ đó phong trào Dada cũng được lan rộng đến toàn Châu Âu và phần nhỏ là thế giới. Sau Zurich, trung tâm của nghệ thuật Dada thay đổi từ Paris, Berlin đến New York.
Vào năm 1920, Hội Nghị Triển Lãm Nghệ Thuật Dada được tổ chức lần đầu tiên ở Berlin và thậm chí cái trần nhà cũng được đem ra sử dụng như một tác phẩm nghệ thuật.
Phong trào Dada ở Berlin cũng trở nên vô cùng nổi tiếng với một phong cách nghệ thuật mới mang tên “Photomontage” - phong cách cắt dán giấy khi chỉ sử dụng những hình ảnh từ báo và tạp chí để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp chính trị.
Tại New York, phong trào Dada gắn liền với một trong những nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 - Marcel Duchamp. Ông đồng thời là tác giả của tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật - The Fountain.
The Fountain - bên ngoài nhìn đơn giản chỉ là một cái bồn tiểu bắt gặp ở mọi nơi trên thế giới, có phần tầm thường và không muốn nói thêm là dơ bẩn. Tuy nhiên The Fountain trở nên nổi tiếng bởi chính triết lý của Marcel Duchamp và Dada:
“Bởi vì nghệ sĩ chọn nó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Chính nghệ sĩ mới có quyền quyết định đâu là nghệ thuật chứ không phải con mắt của những hội đồng kiểm duyệt và dân chúng. Điều quan trọng ở đây chính là ý tưởng nghệ thuật chứ không phải bản chất của đồ vật đó”.
Khái niệm này trở nên bùng nổ trong lịch sử nghệ thuật và trực tiếp mở đường cho các phong trào đương đại sau này.
Phong trào Dada đi tới hồi kết vào đầu những năm 1920s sau sự tan rã hoặc rẽ sang hướng khác của các nghệ sĩ. Mặc dù vậy, phong trào này đã tạo một nền móng rất vững chắc cho chủ nghĩa siêu thực mà các bạn vẫn thường thấy ở những bức tranh hoặc tác phẩm không thể hiểu nổi.
ĐOẠN KẾT
Có thể nói Dada là sự nổi loạn điên rồ bởi vì bản chất của nó là thế. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng chính Dada là một bước ngoặt, một viên đạn pháo bắn vào bức tường ngăn cản giữa nghệ thuật cứng nhắc và sáng tạo. Bạn có thể chê trách đủ kiểu bạn muốn, nhưng nếu không có một người tiên phong mở đường ôm hết gạch đá, giới trẻ phía sau sẽ đi lên bằng cách nào?
Để chống lại sự cũ kỹ và tàn dư của định kiến, chúng ta cần một phương án nổi loạn đến mức không có luật lệ để dập tắt. Liệu rằng bạn có thể nghĩ ra điều gì tự do và phóng khoáng hơn Dada hay sao?